Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (MUT) đang được Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) đầu tư mạnh mẽ về để vươn lên tầm cao mới tại Việt Nam xa hơn nữa. PGS. TS. Phạm Văn Song, tân Hiệu trưởng MUT đã dành cho Human bài phỏng vấn về chiến lược này.
PGS. TS. Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông.
Xin được chúc mừng ông trong vài trò mới. Ông vui lòng cho biết những kế hoạch sắp tới để đưa MUT lên tầm cao mới.
Trường Đại học Công nghệ Miền Đông được thành lập năm 2013 và đến nay đã có những bước phát triển vững mạnh để từng bước khẳng định là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và có uy tín trong khu vực Đông Nam Bộ.
Giai đoạn sắp tới của trường là giai đoạn vô cùng quan trọng, Trường sẽ thực hiện chiến lược phát triển có tính cách mạng nhằm đưa MUT lên một vị thế mới: một đại học xuất sắc về kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dẫn đầu khu vực phía Nam và có vị trí cao trong bảng xếp hạng đại học được quốc tế công nhận.
Một góc ảnh đẹp tại Đại học Công nghệ Miền Đông.
Trường sẽ có những thay đổi lớn, trong đó bao gồm đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất với khuôn viên, thiết bị giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế. Các chương trình đào tạo cũng sẽ được rà soát nhằm đáp ứng được thực tế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Cùng với đó là một mô hình đại học mới sẽ được áp dụng: mô hình đại học thông minh với những lớp học thông minh, một môi trường học tập thông minh, các giảng viên thông minh, khuôn viên thông minh, cộng đồng học tập thông minh, và cả phương pháp học tập thông minh.
Nước Đức, nơi ông đã từng học tập, là một trong những quốc gia luôn đi đầu thế giới về kỹ thuật và công nghệ. Đặc biệt, một số lĩnh vực như ô tô và nước sinh hoạt, các tiêu chuẩn của Đức được xem là cao nhất thế giới. Những ưu thế đó sẽ giúp ông và MUT như thế nào?
Nước Đức là một cường quốc và là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Đức dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp nặng. Đức là một quốc gia rất phát triển, có tiêu chuẩn sinh hoạt rất cao được duy trì nhờ một xã hội có kỹ năng và năng suất.
Diện mạo sắp tới của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông.
Tôi rất may mắn là đã được học tập và làm việc ở Đức trong thời gian gần 10 năm tại 2 đại học lớn của Đức nổi tiếng về công nghệ là Đại học Stuttgart và Đại học công nghệ Berlin, nên tôi có thuận lợi là sự am hiểu khá rõ về con người, văn hóa, cũng như hệ thống giáo dục của Đức. Tôi tin rằng những trải nghiệm quý báu này ở môi trường giáo dục này sẽ giúp tôi làm tốt hơn công tác quản trị tại MUT.
Cũng xin nhắc đến vấn đề chuyên môn một chút. Tiêu chuẩn của Đức trong công nghệ ô tô và nước sinh hoạt cao hơn các tiêu chuẩn chung của thế giới hiện nay. Những ai từng sống ở Châu Âu có thể thấy là Đức áp dụng những tiêu chuẩn riêng về công nghệ ô tô như an toàn, khí thải … Tiêu chuẩn riêng về chất lượng nước cao hơn các nước láng giềng. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu Việt Nam học hỏi được những công nghệ đó từ Đức sẽ là điều rất tốt.
Trong thời gian tới, MUT sẽ đưa ra các ngành học mới, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Ông vui lòng chia sẻ những thông tin này.
Trong năm học tới, ngoài những ngành đã có chứng tôi dự kiến sẽ mở một loạt các ngành đào tạo mới có tính tiên phong nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Năm học tới, trường sẽ có 6 khoa và đào tạo tổng cộng 27 ngành và tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Có thể kể ra một số ngành sẽ được đầu tư lớn là: Công nghệ Ô tô; Kỹ thuật và Bảo trì Hàng không; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo; Điều dưỡng.
Môi trường học tập và trải nghiệm cho sinh viên tại MUT trong thời gian tới.
Những công việc đã trải qua trước đây và các kinh nghiệm đã tích lũy sẽ hỗ trợ ông như thế nào trên cương vị mới? Tinh thần kỷ luật của người Đức và những kiến thức ông thụ hưởng từ nền giáo dục Đức sẽ mang đến những ích lợi gì cho sinh viên MUT?
Năm 2009, khi tôi học xong ở Đức và trở về Việt Nam, tôi làm công tác nghiên cứu tại Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam. Một năm sau đó, tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thủy công Thủy lực. Những nơi này giúp tôi những kinh nghiệm đầu tiên về công tác quản lý công tác khoa học. Năm 2013, tôi chuyển sang Trường Đại học Thủy Lợi, được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý sinh viên, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật công trình sau đó là Phó Giám đốc Cơ sở 2 kiêm Phó Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường, trường Đại học Thủy Lợi. Năm 2017 tôi được bổ nhiệm vào vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt – Đức.
Tôi đã trải qua khá nhiều vị trí chủ chốt liên quan đến công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý khoa học và đào tạo và quản trị đại học. Vì vậy, môi trường tại MUT không phải là quá mới mẻ đối với tôi. Tôi tin rằng, những kinh nghiệm, chuyên môn, và bài học mà tôi đúc kết được từ công tác quản lý trước đây, có thể giúp ích cho tôi phần nào trong công tác quản trị ở cương vị hiện nay. Với gần 10 năm học tập, làm việc tại Đức, tôi có thuận lợi là sự am hiểu khá rõ về con người, văn hóa, cũng như hệ thống giáo dục của Đức. Đặc biệt tôi cũng đã được thụ hưởng nhiều kiến thức, tinh thần từ nền giáo dục Đức. Đối với tôi, Đức là một quốc gia tươi đẹp, thanh bình có có nhiều điều bất ngờ, thú vị để khám phá. Tôi đặc biệt thích phong cách làm việc kỷ luật nghiêm ngặt, đầy tinh thần trách nhiệm của người Đức. Các bạn có thể thấy rất rõ điều này ở đội tuyển bóng đá Đức trong các giải lớn vừa qua. Và tôi nghĩ rằng 2 khẩu hiệu quan trọng cho sinh viên MUT trong thời gian sắp tới cũng là như vậy ấy là: tinh thần đổi mới sáng tạo và tính kỷ luật.
Ông có niềm đam mê thể thao, cụ thể say mê môn cầu lông. Với đam mê này, ông sẽ hỗ trợ gia tăng trải nghiệm cho cuộc sống sinh viên MUT như thế nào?
Tôi khá đam mê thể thao và có thể chơi được nhiều môn. Với cầu lông, tôi làm quen và bắt đầu chơi cùng một nhóm bạn thân tại Berlin. Thời gian học tập và làm việc ở Đức là thời gian tôi còn khá trẻ, chưa có gia đình, nhiều kỷ niệm sâu sắc lắm. Tôi từng có thời gian tham gia tập luyện và thi đấu cho một câu lạc bộ thể thao ở Berlin tên là SVBB (SV Berliner Brauereien e. V). Sau giờ làm việc, tôi tranh thủ đến tập khoảng 1 tiếng rồi mới về nhà. Hầu như cuối tuần nào tôi cũng tham gia thi đấu tại một giải bán chuyên tại Đức. Ở câu lạc bộ, thỉnh thoảng đi thi đấu, tôi cũng giành được một số giải thưởng nhỏ, và giải cao nhất là huy chương bạc. Tuy nhiên, cái được nhất tôi thu nhận khi tham gia các hoạt động này chính là giúp tôi cân bằng giữa việc học và cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh xa nhà, giữa một nơi cách xa Việt Nam hàng ngàn cây số.
PGS. TS. Phạm Văn Song (bên trái) là người đam mê thể thao và thường xuyên chơi cầu lông.
PGS. TS. Phạm Văn Song cùng bạn bè quốc tế tham gia thi đấu bóng đá tại Đức năm 2003.
Niềm đam mê cầu lông này theo tôi về Việt nam và cho đến tận bây giờ. Tôi nghĩ rằng ở đâu cũng thế thể thao luôn là đam mê của giới trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên. Với một khuôn viên rộng, tiện nghi như khuôn viên của MUT thì các bạn sinh viên MUT rất may mắn là có một chỗ chơi thể thao rất tuyệt. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ các bạn và đặc biệt tham gia đồng hành cùng các bạn trong các hoạt động này. Biết đâu đấy, tôi sẽ đổi màu huy chương ngay trong thời gian ở MUT với các bạn sinh viên.
Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS. Phạm Văn Song!
Tường Thụy thực hiện