Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (MUT) được thành lập theo quyết định số 2168/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động đào tạo theo Quyết định số 727/QĐ-BGDĐT ngày 4 tháng 3 năm 2014.
Trải qua 4 năm hoạt động và phát triển, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông đã ổn định về nhân sự, đội ngũ giảng viên và quy mô đào tạo không ngừng tăng lên, bước đầu tạo dựng được vị thế trong hệ thống giáo dục đại học. Bí quyết nào để một trường đại học non trẻ như Đại học Công nghệ Miền Đông sớm khẳng định được vị thế của mình? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với Thiếu tướng, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trương Giang Long, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Miền Đông.
PV: Thưa Giáo sư, Đại học Công nghệ Miền Đông (MUT) ra đời được hơn 4 năm, trong bối cảnh giáo dục đại học có nhiều thay đổi, nhiều trường đại học ngoài công lập gặp không ít khó khăn. Dù ra đời muộn, Đại học Công nghệ Miền Đông vẫn trụ vững và đang có những bứt phá về nhiều mặt, vì sao trường làm được như vậy?, thưa Giáo sư!
Giáo sư Trương Giang Long: Khi Đại học Công nghệ Miền Đông được thành lập, chúng tôi đã xác định đây là cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Nhưng người học và phụ huynh ngày càng thông thái, họ luôn biết chọn đúng địa chỉ đào tạo, xứng đáng với chi phí đầu tư họ bỏ ra, và họ đã chọn Đại học Công nghệ Miền Đông. Trường được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu là nơi đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cho cả nước, là những địa chỉ luôn khát lao động có tay nghề. Trường được tọa lạc ngay tại đầu mối của các nút giao thông quan trọng, mặt tiền của trường là quốc lộ 1A giao với đường cao tốc hiện hữu TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và QL 20 đi Đà Lạt. Điều kiện khách quan đó đã khiến Đại học Công nghệ Miền Đông ngày càng hấp dẫn sinh viên. Hiện Đại học Công nghệ Miền Đông có quy mô đào tạo hơn 4.000 sinh viên, với một trường non trẻ, quy mô đó là khá lý tưởng…Thêm nữa, Đại học Công nghệ Miền Đông có diện tích 10ha cùng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, thư viện điện tử, môi trường học tập hiện đại phục vụ rất tốt cho học tập và nghiên cứu. Còn về chủ quan, tôi cho rằng, nhà trường đã tập hợp được đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học có học hàm, học vị cao, có uy tín, tận tụy, hết lòng với sinh viên. Đó là PGS.TS.NGND. Huỳnh Văn Hoàng (nguyên Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh), PGS.TS Trần Công Luận (nguyên Giám đốc Trung tâm Dược liệu – Bộ Y tế).
PV: Đại học Công nghệ Miền Đông là trường đa ngành, đa lĩnh vực, xin Giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn về các ngành, các lĩnh vực này. Liệu đó có phải những ngành đang “bão hòa” nhu cầu việc làm?
Giáo sư Trương Giang Long: Đại học Công nghệ Miền Đông là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và theo nhu cầu xã hội. Hiện trường đã đào tạo 10 ngành bậc đại học gồm : Dược học (dược sĩ bậc đại học), Công nghệ kỹ thuật ô tô, Luật Kinh tế, Kinh doanh Quốc tế, Quản lý Công nghiệp, Kỹ thuật Xây dựng, Ngôn ngữ Anh, Quan hệ công chúng, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường. Đây là các ngành theo dự báo của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP. Hồ Chí Minh, trong vòng 5 năm tới nhu cầu tuyển dụng sẽ rất lớn, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nhà trường có mối quan hệ sâu sắc với các trường Đại học uy tín ở Việt Nam như Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, Học viện Quân Y, Khoa Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhà trường đã đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ cho việc đào gắn liền giữ lý thuyết và thực hành, với 16 phòng thí nghiệm đạt chuẩn, trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, nhà trường cũng đã kí các văn bản hợp tác với 68 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận để gửi sinh viên tới thực tập và giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp.
PV: Giáo sư vừa nói nhà trường đã kí kết với các doanh nghiệp lớn để tạo việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp, như vậy nỗi lo thất nghiệp không còn ám ảnh, và khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng sẽ được thu hẹp, đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo cái xã hội cần chứ không phải theo cái nhà trường có, đúng không thưa Giáo sư?
Giáo sư Trương Giang Long: Đúng vậy! Xét cho cùng, khi chọn học gì, học trường nào thì bài toán đầu ra phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi thấu hiểu trăn trở đó của người học nên đã nỗ lực tìm đầu ra đảm bảo cho các em. Với chiến lược thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, Đồng Nai luôn có chính sách tạo điều kiện cho các lao động có tay nghề được định cư, đặc biệt là vấn đề nhà ở và các dịch vụ an sinh kèm theo.
Quy hoạch xây dựng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt. Theo đó, Đồng Nai sẽ có 17 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP. Biên Hòa), 2 đô thị loại II (Long Khánh, Nhơn Trạch), 2 đô thị loại III (Long Thành, Trảng Bom), 7 đô thị loại IV (đô thị Bình Sơn, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú) và 5 đô thị loại V (đô thị Phước Thái, Phú Lý, Phú Túc, Thạnh Phú, La Ngà).
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Song song với đó, tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng 3 khu công nghiệp gồm Lộc An – Bình Sơn, Long Đức (giai đoạn 2) và khu công nghệ cao Amata Thái Lan gần khu vực cảng hàng không quốc tế Long Thành. Khi hoàn thành, 3 khu công nghiệp trên sẽ giải quyết việc làm cho trên 57.000 lao động, trong đó dự báo các ngành Quản lý công nghiệp, Xây dựng, Tiếng Anh, Luật kinh tế, Kinh doanh quốc tế, Dược sẽ rất cần nhân lực có trình độ cao. Đây là các ngành mà Trường Đại học Công nghệ Miền Đông có thế mạnh đào tạo…Do đó có thể nói, sau khi tốt nghiệp tại Đại học Công nghệ Miền Đông, người học có cơ hội rất lớn được sinh sống và làm việc tại một tỉnh phát triển năng động kèm theo các dịch vụ an sinh xã hội được đáp ứng đầy đủ, đồng thời có thể kết nối dễ dàng với các tỉnh thành phát triển như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh, trong khi mức sống tại Đồng Nai dễ chịu hơn rất nhiều. Đó cũng là lý do Đồng Nai trở thành miền đất đầy triển vọng cho các bạn trẻ học tập và định cư xây dựng cuộc sống mới sau khi tốt nghiệp.
PV: Nhà trường có chính sách tuyển sinh, ưu tiên gì mới để thu hút thí sinh năm 2018, thưa Giáo sư?
Giáo sư Trương Giang Long: Từ năm 2018, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông có chính sách đặc biệt ưu tiên cho con, em cán bộ Công an đương chức, về hưu, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ khi tham gia học tập tại nhà trường, với các ưu đãi sau:
Giảm 15% học phí cho toàn khóa học đối với hệ đào tạo đại học chính quy và vừa học vừa làm, giảm 10% đối với đào tạo thạc sĩ (dành cho chiến sĩ công an đương chức học tập nâng cao trình độ); giảm 50% học phí năm thứ nhất khi đạt 18 điểm thi THPT quốc gia trở lên hoặc học bạ trung bình 3 môn xét tuyển trên 7.0 (đối với đại học chính quy); kí túc xá miễn phí 100%. Đặc biệt, nhà trường sẽ giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp cho những sinh viên học tập tốt và đảm bảo những yêu cầu của nhà trường trong thời gian học tập. Ngoài ra trong các dịp nghỉ hè, nghỉ tết nếu sinh viên có nhu cầu tìm việc làm thêm nhà trường cũng sẵn sàng hỗ trợ.
Về đào tạo hệ đại học chính quy, trường xét tuyển dựa theo 2 hình thức: Dựa theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển học bạ THPT, bổ túc văn hóa trung bình 3 môn xét tuyển đạt 6.0 trở lên hoặc kết quả học tập cả năm lớp 12 đạt 6.0 trở lên. Nhà trường hợp tác cùng với Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải về việc hỗ trợ cơ sở thực hành, đội ngũ giảng viên hướng dẫn thực tập, tiếp nhận bố trí việc làm cho 200 sinh viên sau khi tốt nghiệp (ưu tiên cho con, em cán bộ Công an đương chức, về hưu và Chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ) khi hoàn thành chương trình học theo đúng yêu cầu của nhà trường.
Với kinh nghiệm quản lý Học viện Chính trị CAND, khi ra làm quản lý cho một trường đại học dân sự, tôi hoàn toàn có khả năng mời các thầy cô giáo giỏi, giàu kinh nghiệm đến trường giảng dạy, tạo dựng để Đại học Công nghệ Miền Đông sẽ là địa chỉ đào tạo tin cậy, đầy triển vọng cho bạn trẻ trong tương lai!
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư
Tuấn Minh (thực hiện)
NGUỒN: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN