NHỮNG DỰ BÁO THIÊN TÀI CỦA BÁC HỒ

 

Ngày 19-5-2018 sẽ tròn 128 năm sinh của Bác Hồ vô vàn kính yêu của nhân dân ta.

Nhớ lại, ngày 5 – 6- 1911, từ bến Nhà Rồng, Bác lấy tên Văn Ba, xin làm phụ bếp trên chiếc tàu buôn mang tên đô đốc Latouche – Tréville, lên đường sang Pháp với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ của các nước phương Tây, tìm đường cứu nước.

Trải qua 30 năm lưu lạc ở nước ngoài, Bác đã đến Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung quốc, Thái Lan … và trở về Việt Nam vào ngày 28 – 1 – 1941, lập bản doanh tại Pác Pó, Cao Bằng để cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng.

Trong thời gian ở nước ngoài, Bác đã lao động, học tập và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của đế quốc Pháp. Chính lao động, học tập, đấu tranh, vận động quốc tế một cách không mệt mỏi của Bác vì vận mệnh của dân tộc đã tôi luyện và hun đúc nên một Hồ Chí Minh – nhà chiến lược thiên tài cùa cách mạng Việt Nam . Vai trò nhà chiến lược vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết là Bác đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta. 

Trong quá trình đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Bác đã có những dự đoán thiên tài, lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng chớp lấy cơ hội, giành hết  thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, Bác đã đưa ra những tiên đoán kỳ diệu với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Những dự báo của Bác hoàn toàn không mang mầu sắc thần linh, huyền bí. Những dự báo của Bác được hình thành là nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận Mác – Lê Nin cộng với năng lực khái quát và tổng kết lịch sử- thực tiễn. Đó là những dự báo khoa học có hàm lượng trí tuệ cao, là thành quả tất yếu từ những suy tư, trăn trở trước vận mệnh dân tộc của một nhân cách lớn; là sản phẩm của tư duy khoa học, logic và biện chứng ở một trí tuệ siêu việt, am tường đông – tây, kim – cổ, là sự đúc kết những trải nghiệm phong phú trong mấy chục năm bôn ba ở nước ngoài, tích luỹ từ kinh nghiệm đấu tranh, nắm được xu thế phát triển của thời đại, có năng lực nhìn xa, trông rộng, bao quát được lịch sử và thời đại.

 

1)- Tháng 8-1914, khi đang ở Anh, trong bức thư gửi cụ Phan Chu Trinh, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã viết: “...Tiếng súng đang rền vang. Thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng cháu đã nói với bác về cơn dông sấm động này…”. Như vậy, trong một bức thư gửi trước đó, Bác đã tiên đoán Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914 -1918) sắp sửa nổ ra.

 

2)- Trong truyện ngắn “Con người biết mùi hun khói” – một chuyện viễn tưởng đăng trên báo Nhân đạo (Pháp) ngày 20 – 7 – 1922, Nguyễn Ái Quốc đã viết về lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày cách mạng thành công ở nước Cộng hoà Liên hiệp Phi. Người đã tiên đoán cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa sẽ thành công vào năm 1948. Điều tiên đoán này cơ bản phù hợp với thời gian thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 – 1945 ở Việt Nam và In đô nê xia, với nền độc lập ở Ấn Độ năm 1947 và thắng lợi của cách mạng Trung Quốc  năm 1949. Còn quang cảnh của ngày mừng độc lập thì Bác đã tả gần giống như ngày Quốc khánh của nước ta: “… Ở các bao lơn và các cửa sổ mọc ra muôn vàn tấm lá cờ đỏ phấp phới yêu kiều trước gió … Từ sáng sớm, các đường phố, các quảng trường y như một dòng sông người. Từng đoàn học sinh, giương cờ đi đầu, vừa diễu qua các phố, vừa hát quốc tế ca, được dân chúng vỗ tay hoan nghênh …”

 

3)- Năm 1924, trong bài “Đông Dương và Thái Bình Dương”, Bác đã dự báo về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới và tiên đoán: “Thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản”. Với tầm nhìn chiến lược, Bác còn thấy trước Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh nó sẽ trở thành miếng mồi béo bở cho các tên đế quốc dòm ngó, khu vực này “tương lai có thể trở thành một lò lửa của cuộc chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh”. Những tiên đoán này, 15 năm sau trở thành hiện thực. Ngày 1 -9-1939, Đức tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ

( 1939- 1945 ), phát-xít Đức tấn công Liên Xô, các nước xung quanh Thái Bình Dương trở thành chiến trường ác liệt.

 

4)- Tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương Đảng ở Pắc Bó, Bác đã dự liệu thời cơ tổng khởi nghĩa là lúc Liên Xô thắng Đức; Mỹ, Anh, Trung Quốc phản công đánh bại Nhật Bản. Cần thấy rằng, dự liệu này đưa ra lúc Đức chưa tấn công Liên Xô ( Đức tấn công Liên Xô vào sáng ngày 22-6-1941), Nhật chưa tấn công vùng đất do Mỹ kiểm soát ( ngày 7-12-1941 Nhật tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ ).  Nhờ phán đoán tài tình như vậy nên Bác đã yêu cầu  Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng đình chỉ chủ trương khởi nghĩa đầu năm 1944, đồng thời phát động toàn Đảng, toàn dân tích cực chuẩn bị để đón thời cơ.

 

5)- Ngày 1-1-1942, trên báo “Việt Nam độc lập” số 114, Bác viết bài thơ “Chúc năm mới”, mở đầu cho sự ra đời thể loại Thơ chúc Tết hàng năm của Bác sau này. Bài thơ tràn đầy niềm lạc quan vào triển vọng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.  Lúc này, cuộc chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô đang ở giai đoạn khó khăn, còn bọn phát-xít thì đang “làm mưa làm gió” trên các chiến trường. Trả lời câu hỏi: Năm nay tình hình thế giới và trong nước sẽ thế nào? Trong bài “Năm mới, công việc mới” cùng in trong số báo trên, Bác khẳng định: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại; Anh, Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta độc lập tự do”. Trên thực tế chúng ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa vào đúng thời cơ mà Bác đã dự đoán, giành thắng lợi trong thời gian ngắn.

 

6)-Tháng 2 1942, trong thời gian ở Pắc Pó, bên suối Lê Nin, Bác dịch sử Đảng và thảo cuốn “Lịch sử Việt Nam diễn ca” tóm tắt bằng thơ. Ở đoạn kết, Bác viết:

“… Nay ta đã có Việt Minh

Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh

45- sự nghiệp hoàn thành”.

 Cuối tác phẩm có mục “Những năm tháng quan trọng” ghi lại những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc, từ thời các vua Hùng đến năm 1945.  Bác viết 2 câu cuối :

  1940 –  Nam kỳ khởi nghĩa

1945 – Việt Nam độc lập

          Đồng chí Lê Quảng Ba được Bác giao khắc bài thơ để in, về sau ông kể lại: “Anh em chúng tôi thắc mắc câu Bác ghi rõ: “Năm 1945 – Việt Nam độc lập”, nên đã đưa Bác xem lại. Bác xem rồi bảo: cứ thế khắc in.

Sau này, trong cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể lại rằng: trong những đêm giá lạnh ở hang Pác Pó. Bác đã tiên đoán thời điểm cách mạng thành công. Đó là “Năm 1945 – sự nghiệp hoàn thành”

Đúng là một dự báo thiên tài. Trong khi các nguyên thủ của phe đồng minh họp tại Tehran, Iran năm 1943, dự tính rằng, phải đến năm 1946 mới có thể hoàn toàn đánh bại lực lượng phát-xít, kết thúc chiến tranh, thì lịch sử lại diễn ra đúng như tiên đoán của Bác. Khi đánh đuổi phát xít Đức ra khỏi biên giới nước mình, Hồng quân Liên Xô còn giúp đỡ giải phóng các nước Anbani, Bungari, Nam tư, Ba lan, Hunggari, Tiệp khắc. Ngày 9- 5-1945, phát-xít Đức đầu hàng. Ngày 9-8-1945, Liên Xô tấn công tiêu diệt đội quân Quan Đông có hơn một triệu quân của Nhật, bắt sống 148 tướng, 594.000 sĩ quan và lính Nhật. Mỹ đã ném bom hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6-8-1945 và xuống Nagasaki ngày 9-8-1945. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng vô điều kiện. Chớp thời cơ đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta nổi dậy tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do. Cách mạng tháng Tám thành công vào ngày 19-8-1945 và sáng  ngày 2-9-1945 chính Bác đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa! Từ đây dân ta thoát đời nô lệ, cởi ách ngựa trâu, người Việt Nam làm chủ nước Việt Nam!

 

7)- Năm 1949, trong truyện ngắn “Giấc ngủ mười năm” do Tổng bộ Việt Minh xuất bản, với bút danh Trần Lực, Bác phác hoạ sự biến đổi của đất nước ta và con người Việt Nam sau chiến tranh. Trong đó, Bác vẽ ra viễn cảnh xã hội nước ta sau khi chiến tranh kết thúc cho đến  năm 1958 với những sự kiện gần như xác thực.

Đặc biệt Bác đã mô tả trận đánh cuối cùng có qui mô to lớn, ác liệt. Giặc Pháp đã phải huy động “từng đàn, từng lũ máy bay … tủa ra như ong”. “Chúng dội bom xuống như mưa. Tốp máy bay này về thì tốp khác tới, chúng thay nhau ném bom … tiếng nổ long trời chuyển đất, khói lên nghi ngút như mây”. Qua sự miêu tả ấy, chúng ta liên tưởng đến trận đánh quyết chiến, quyết thắng mang tầm chiến lược đã diễn ra ở Điện Biên Phủ năm 1954.

 

8)- Đầu năm 1954, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp ở khắp các chiến trường đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Dường như nắm chắc vận mệnh dân tộc, bài thơ chúc Tết năm 1954 của Bác đã khẳng định chắc chắn:

“Trường kỳ kháng chiến

Nhất định thắng lợi

Độc lập thống nhất

Nhất định thành công”.

Không những thế, với trí tuệ, tầm nhìn vô song, khi cả nước đang tưng bừng với niềm vui kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ thì Bác đã nhìn thấy những âm mưu xâm lược của ngoại bang. Nhà thơ Tố Hữu kể lại: chiều 7 – 5 – 1954, sau khi nhận tin chiến thắng Điện Biên Phủ, ông lên báo cáo và xin ý kiến Bác. Có điều lạ là Bác rất bình tĩnh và nói với ông: “Đây chỉ là chiến thắng bước đầu. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Không khéo ta lại phải đánh nhau với Mỹ còn lâu dài, gian khổ đấy.”

Tại thời điểm lịch sử lúc đó, việc nhận rõ kẻ thù tương lai của cách mạng không đơn giản chút nào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn kể về bức điện ông nhận được chiều ngày 7 – 5- 1954 của Bác:“Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ bước đầu đấy! … còn phải đánh Mỹ.” Bấy giờ ít ai có thể ngờ rằng đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong cuộc chiến tranh Triều tiên lại có thể thay chân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam. Sự thật, chỉ ít lâu sau, chúng ta lại phải tiếp tục chiến đấu chống Mỹ, chiến tranh ác liệt hơn rất nhiều, gian khổ, hy sinh lớn hơn rất nhiều so với chống Pháp và cuộc kháng chiến đã kéo dài tới 20 năm, đúng như nhận định của Bác.

 

9)- Năm 1960, trong diễn văn lễ mừng Quốc khánh 2-9-1960 do Bác đọc,  có đoạn viết: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống  chế độ tàn bạo của Mỹ – Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc – Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bác gạch dưới các chữ chậm lắm là 15 năm nữa. Đúng 15 năm sau, mùa xuân 1975, với thắng lợi  vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta đi đến thống nhất, Nam Bắc một nhà như tiên đoán diệu kỳ của Bác.

 

       10)- Vào cuối 1967, khi làm việc với Bộ tư lệnh quân chủng phòng không – không quân, Bác dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”. Từ kinh nghiệm ở Triều Tiên, trước khi thua, Mỹ đã ném bom hủy diệt Bình Nhưỡng. Hiểu Mỹ, Bác đã chỉ lên bầu trời Hà Nội và dự báo sớm: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Trên cơ sở chỉ đạo của Bác, quân chủng phòng không – không quân đã ra sức đào tạo lực lượng, chuẩn bị khí tài, xây dựng phương án đánh Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Thực tế đã diễn ra đúng như dự báo thiên tài của Bác. Từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 12 năm 1972, Mỹ đã huy động một lực lượng vũ khí , trang bị kỹ thuật lớn chưa từng có, gồm 193 máy bay B52, chiếm gần 50% tổng số máy bay B52 đang được sử dụng của toàn nước Mỹ, 1077 máy bay chiến thuật hiện đại nhất của Mỹ thời đó, bằng 31% tổng số máy bay chiến thuật của Mỹ ở Đông Nam Á, hơn 15.000 tấn bom đạn mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng.  Trong trận chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đó, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, 5 chiếc F111, nhiều phi công Mỹ bị bắt sống.Trước những thiệt hại to lớn ở cả hai chiến trường Nam Bắc, ý chí xâm lược của Mỹ bị đập tan, Mỹ thấy không thể thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam nên mới chịu ký Hiệp định Paris vào ngày 27- 1- 1973, thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và rút hết quân về nước.

 

11)- Năm 1968, ở chiến trường Miền Nam có hơn 500.000 quân Mỹ và chư hầu (Úc, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Phi líp pin …) và hơn một triệu quân ngụỵ được Mỹ trang bị, huấn luyện và chỉ đạo tác chiến. Tình hình cách mạng rất khó khăn, nhưng, trong bài thơ chúc Tết năm 1969 – bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác, Bác đã chỉ đường cho chúng ta đi, chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn.”

Thực hiện chỉ đạo của Bác, chúng ta đã không dốc toàn lực để tiêu diệt quân Mỹ như đã tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ, mà chỉ cần đánh cho quân Mỹ thương vong nhiều ở những trận có qui mô vừa và nhỏ, quan trọng nhất là đánh tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải rút quân về nước. Trái lại, để làm cho ngụỵ nhào, ta đã tổ chức nhiều trận đánh lớn vừa tiêu diệt, vừa làm cho quân nguỵ tan rã. Mỹ cút, nguỵ phải nhào. Chúng ta đã thực hiện đúng lời dạy của Bác!

 

12)- Năm 1969, trước lúc đi xa, Bác để lại cho chúng ta Bản Di chúc thiêng liêng. Trong Bản Di chúc, Bác vẫn rất lạc quan, tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Mở đầu bản Di chúc, Bác viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn …”

Bác đã tiên đoán chính xác vấn đề mang tính vận mạng của dân tộc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn … Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Tất cả những gì Bác dự báo đều đã trở thành sự thật. Sáu năm sau ngày Bác mất, nhân dân ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc đã sum họp một nhà.

Nhân ngày sinh của Bác, chúng ta hứa với Bác, chúng ta sẽ xây dựng nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, ngày càng tươi đẹp hơn…

Chúng ta cảm nhận, dù Bác đã đi xa, nhưng trong mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có sự chỉ đạo của Bác và Bác luôn cùng chung vui với chúng ta. Bởi vì, hình ảnh của Bác luôn ở trong trái tim của mỗi người Việt Nam. Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn của Bác đối với đất nước chúng ta, đối với mỗi người chúng ta.

 

                                                           

        Phú An (sưu tầm)                                     

 Kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Bác        

        19/5/1890- 19/5/2018

Tags:

Bình Luận (0)

Bài viết liên quan