Trường ĐH Công nghệ Miền Đông chủ trì và thực hiện đề tài mang tính đột phá: “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VIỄN THÁM GIÁM SÁT RÁC THẢI ĐẠI DƯƠNG VÀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG THU GOM XA BỜ CHO VÙNG BIỂN HUYỆN CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU”

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã chính thức đặt hàng trường Đại học Công nghệ Miền Đông (MIT Uni.) chủ trì và thực hiện đề tài mang tính đột phá: “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VIỄN THÁM GIÁM SÁT RÁC THẢI ĐẠI DƯƠNG VÀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG THU GOM XA BỜ CHO VÙNG BIỂN HUYỆN CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU”.

Đề tài có các mục tiêu chính như sau:

  • Đánh giá hiện trạng ô nhiễm rác thải đại dương ở vùng biển ven bờ và xa bờ huyện Côn Đảo;
  • Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát rác thải đại dương ven bờ và xa bờ và mô hình theo dõi, dự báo sự di chuyển và nguồn phát sinh của rác thải đại dương tại huyện Côn Đảo;
  • Xây dựng hệ thống thu gom rác thải đại dương xa bờ nhằm giảm thiểu lượng rác đi vào bờ biển huyện Côn Đảo.

Một trong những điểm mới có tính đột phá của đề tài này là áp dụng công nghệ tiên tiến như: UAV, phân tích ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo để nhận dạng, giám sát rác thải đại dương trên địa bàn huyện Côn Đảo. Đề tài cũng tiến hành xây dựng mô hình toán nhằm mô phỏng điều kiện thủy, hải văn, động lực học của khu vực nghiên cứu. Mục tiêu cuối cùng là đề xuất được giải pháp theo dõi, tập kết và thu gom rác thải đại dương, xây dựng hệ thống thí điểm cục bộ với chi phí thấp, thuận tiện cho việc sử dụng và chuyển giao công nghệ. Hệ thống thu gom rác thí điểm này có thể được nhân rộng áp dụng cho các khu vực có điều kiện địa lý, khí hậu, đặc điểm kinh tế – xã hội tương tự.

Sản phẩm công nghệ của đề tài cũng sẽ được chuyển giao cho các đơn vị thụ hưởng thuộc huyện Côn Đảo thông qua quá trình đào tạo, tập huấn và quản lý quản lý vận hành.

Theo báo cáo của Ban Quản lý công trình công cộng huyện Côn Đảo, trung bình mỗi ngày Côn Đảo phát sinh khoảng 15 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện bãi rác Bãi Nhát tồn đọng hơn 70.000 tấn rác chưa được xử lý triệt để. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt từ đảo trung tâm, hàng năm huyện Côn Đảo còn phải hứng chịu lượng lớn rác từ đại dương dạt vào bờ biển và các đảo nhỏ.

Vì vậy, đề tài được thực hiện thành công sẽ mang đến một công nghệ mới giúp khắc phục được tình trạng ô nhiễm rác thải hiện nay trong khu vực Côn Đảo. Ngoài ra các kết quả nghiên cứu cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại, tái chế rác, góp phần giải bài toán “Kinh tế tuần hoàn” của huyện Côn Đảo, mang lại môi trường sạch đẹp và bền vững hơn cho địa phương.

Đề tài được chủ trì và thực hiện bởi PGS.TS Phạm Văn Song – Hiệu trưởng Nhà trường và các cán bộ, giảng viên MIT Uni.. Riêng, lực lượng sinh viên xung kích của MIT Uni. sẽ tham gia vào công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại và kiểm đếm rác thải.

PGS.TS Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Nhà trường
PGS.TS Phạm Văn Song – Hiệu trưởng Nhà trường

Tại MIT Uni., các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ luôn được chú trọng phát triển, không chỉ nhằm mục tiêu học thuật mà còn để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ. Những nỗ lực này minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của MIT Uni. trong việc góp phần xây dựng một tương lai bền vững và phát triển cho khu vực.

Trung tâm Tuyển sinh – Truyền thông

Bình Luận (0)

Bài viết liên quan